Dấn thân vào nội chiến Marguerite xứ Anjou, Vương hậu Anh

Sự thù hận Công tước xứ York

Từ khi chuyển đến Greenwich, Margaret chú tâm trong việc dạy dỗ con trai Edward, và bà không hề có ý định can thiệp chính trị cho đến khi nhận thấy nguy cơ từ Công tước xứ York[11]. Vào khoảng năm 1453 đến 1454, Công tước York được bổ nhiệm Hộ Quốc công khi tình trạng bệnh tình của Vua Henry chuyển biến xấu, và điều này khiến Margaret thất kinh. Công tước York là một thành viên nhánh nhà York có thế lực lớn và trong thời điểm ấy, khi Vua Henry quá yếu về khả năng trị vì cùng Vương hậu Margaret không được quý tộc Anh ưa thích, thì Công tước York được nhìn nhận là một Trữ quân cho ngai vàng Anh. Điều này chính thức khiến Margaret bắt đầu tham dự chính trị vì bà muốn con cháu mình tiếp tục ngồi trên ngai vàng này. Một số học giả cho rằng thực chất sự tranh chấp và sụp đổ sau đó của nhà Lancaster không phải tham vọng của nhà York, mà là sự dấn thân một cách đầy bướng bỉnh của Margaret vào vũ đài chính trị, ngoài ra việc bà trọng dụng những đồng minh không được quý tộc Anh ưa thích cũng khiến hình ảnh của bà xấu đi rõ rệt[12]. Dù vậy, Margaret thể hiện mình rất giỏi trong chính trị, và Vua Henry thường giao phó cho bà lĩnh vực này[13].

Nhà viết tiểu sử học cho Margaret xứ Anjou, Helen Maurer, thế nhưng lại không xem việc Công tước York được bổ nhiệm Hộ Quốc công là khởi đầu cho Margaret tranh chấp với phe nhà York. Nữ sử gia nhận định chính Trận chiến St Albans thứ nhất vào những năm 1455 mới khiến Margaret bắt đầu nhìn nhận Công tước York là mối đe dọa cho ngai vàng của chồng mình. Nhà sử học Paul Murray Kendall lại nhìn nhận chính Edmund Beaufort, Công tước Somerset cùng William de la Pole, Công tước Suffolk, đã sớm cố gắng thuyết phục Margaret rằng Công tước York là người chịu trách nhiệm chính cho việc bà bị dân chúng Anh chán ghét. Và thế là Margaret thuyết phục Vua Henry cách chức vụ Thống đốc tại Pháp của Công tước York và đày ông ta đến Ireland, thậm chí vào năm 14491450 thì Margaret cũng lần lượt phái sát thủ cố gắng ám sát Công tước York. Trong khi đó, Công tước Somerset cùng Công tước Suffolk chịu trách nhiệm chính trong sự kiện thất thủ Maine năm 1448 và Normandy năm 1449, điều này khiến triều đình Henry VI thất kinh và dấy lên một chuỗi tra vấn trách nhiệm của hai người này, hai đồng minh mạnh nhất của Margaret khi ấy. Chớp ngay thời cơ này, sau khi thoát khỏi sự ám toán của Margaret và trở về từ Ireland, Công tước York lại đứng trước Vua Henry và sau cùng được nhà Vua tái tín nhiệm. Dưới tác động của Công tước York, Nghị viện Anh được triệu tập, vấn đề tại Pháp của Công tước Somerset cùng Công tước Suffolk được bới móc ra, đồng thời còn có cáo buộc Công tước Suffolk đã "ly gián" Quốc vương với người họ hàng là Công tước York. Những sự kiện này đều gây bất lợi đến địa vị của Margaret, khi ngay sau một chuỗi sự kiện này đã khiến Công tước York trở thành cố vấn cao nhất của nhà Vua, đồng thời Phát ngôn viên của Hạ nghị viện trong sự nóng nảy còn tuyên bố công nhận Công tước York trở thành Trữ quân - người kế vị ngai vàng.

Chuỗi sự kiện này diễn ra trước khi Margaret sinh hạ Vương tử Edward (vào năm 1453), do đó trở thành một đòn chí mạng cho Margaret[14]. Nhưng nhanh chóng sau đó vài tháng, Margaet giành được sự ảnh hưởng lên Vua Henry, Nghị viện Anh bị bãi bỏ, Phát ngôn viên bị giam vào ngục và Công tước York phải điều đến xứ Wales[15].

Lãnh đạo nhà Lancaster

Hình khắc Margaret trên đồng xu, khoảng năm 1463.

Căng thẳng giữa nhà York và nhà Lancaster nhanh chóng kích thích dẫn đến chạm trán quân sự. Vào tháng 5 năm 1455, chỉ vài tháng sau khi Quốc vương Henry VI bình phục sau một cơn bệnh thần kinh và vừa kết thúc nhiệm kỳ Bảo Hộ công của Công tước York, thì Margaret đã triệu tập Đại hội đồng không có phe cánh nhà York tham dự. Nội dung cuộc triệu tập này diễn ra tại Leicester, khi Margaret tuyên bố cần các chư hầu quý tộc bảo vệ Quốc vương "khỏi những kẻ thù", nhưng Công tước York gần như đã liệu trước mà dẫn quân nghênh đón quân nhà Lancaster, dẫn đến Trận chiến St Albans thứ nhất vào ngày 22 tháng 5 năm 1455 - sự kiện thường được xem là khơi mào cho Chiến tranh Hoa hồng. Trong trận chiến, Công tước Somerset, Bá tước Northumberland cùng Nam tước Clifford đều tử trận, Quốc vương Henry VI bị quân nhà York giam giữ và phải chỉ định Công tước York lần nữa trở thành Bảo Hộ công.

Thời gian này Margaret bị gạt qua một bên và đành phải nhận sự bảo hộ từ Quốc vương. Cuộc chiến kết thúc bằng chiến thắng của phe nhà York, nhưng vương triều vẫn cố gắng để không xảy ra thêm bạo loạn, dẫn đến việc thảo luận trong tương lai thì Công tước York hay Vương tử Edward - con trai mới 2 tuổi của Margaret - sẽ có tư cách kế vị. Rõ ràng Margaret không thỏa hiệp bất kì quyết định nào ngăn cản con trai bà lên ngôi. Trước tình thế quân sự đều nằm trong tay Công tước York, Margaret vẫn rất cứng rắn không thỏa hiệp, trừ phi phe York chịu từ bỏ áp chế quân sự.

Vào mùa thu năm 1456, vợ chồng Margaret đến Midlands - nơi ủng hộ gia đình vương thất nhiệt tình nhất, và dưới sự thuyết phục của Margert, nhà Vua không quay về London nữa mà đặt triều đình tại Coventry, bà cũng khuyên nhủ thành công nhà Vua bãi bỏ quyết định bổ nhiệm Bảo Hộ công đối với Công tước York và buộc ông ta trở lại Ireland. Sự không có mặt của vương thất tại London khiến tình trạng đất nước khủng hoảng, các thương nhân bị cấm buôn bán đã bất mãn, nay sự chỉ trích của dân chúng càng gia tăng khi Margaret vì gầy dựng quân sự để áp chế phe nhà York mà thực hiện chế độ quân dịch bắt buộc lần đầu tiên tại Anh. Ở phía Bắc, nhà Neville và nhà Percy vì mối thâm thù đã lâu mà dẫn đến các cuộc chiến tranh hàng loạt, bên cạnh đó tình trạng cướp biển cũng bùng nổ vì sự rối loạn chính trị tại Anh. Đến năm 1457, xảy ra sự kiện Tướng quân nước Pháp Pierre de Brézé, một người theo phái ủng hộ Margaret, đã đổ bộ quân sự lên bờ biển Anh và thiêu trụi thị trấn Sandwich thuộc xứ Kent. Sự kiện này gây hỗn loạn tại Anh, vì vấn nạn cướp biển từ người Pháp đã đến một cao trào mới, Vương hậu Margaret có xuất thân người Pháp, lúc này trở thành người bị bàn tán và chỉ trích công khai. Sự căm phẫn dâng cao đến nỗi khiến Margaret phải chấp thuận cho người bà con của Công tước York là Bá tước Richard xứ Warwick trấn thủ vùng biển này trong 3 năm[16]. Bá tước Warwick vốn là phe nhà York, trong sự quản lý của mình kiêm Trị sự Calais, ông đã có được sự ủng hộ lớn từ thương nhân, dẫn đến sự rục rịch trỗi dậy lớn mạnh của phe nhà York.

Sự kiện Loveday 1458 diễn ra tạm thời hàn gắn đấu tranh giữa nhà York và Lancaster, nhưng sự trỗi dậy của Bá tước Warwick với vai trò Thống đốc Calis đã khiến cuộc chiến bước vào lối rẽ khác, và chính thức tái khởi động qua Trận Blore Heath năm 1459, với việc quân nhà Lancaster được lãnh đạo bởi Nam tước Audley bị giết bởi một trong các lãnh đạo nhà York là Bá tước Richard xứ Salisbury - cũng là cha của Bá tước Warwick. Tái chiến khởi đầu, sau một loạt thất bại của nhà Lancaster đã dẫn đến việc Quốc vương Henry VI phải chấp thuận Đạo luật Điều giải (Act of Accord) vào tháng 10 năm 1460, căn bản công nhận Công tước York trở thành Thân vương xứ Wales - đứng đầu quyền kế vị ngai vàng Anh, gạt bỏ đi quyền kế vị của con trai Margaret là Vương tử Edward. Không từ bỏ quyền kế thừa của con trai, Vương hậu Margert đem Vương tử Edward chạy đến phía Bắc xứ Wales - nơi căn bản vẫn trung thành với nhà Lancaster, để sau đó họ liền đi đến Scotland tìm sự giúp đỡ của triều đình phương Bắc này[17]. Bà thuận lợi chờ đợi kết quả Trận Wakefield vào ngày 30 tháng 12 năm 1460, khi quân nhà Lancaster được lãnh đạo bởi Công tước Henry xứ Somerset đã đánh bại quân đội được lãnh đạo trực tiếp bởi Công tước York cùng Bá tước Salisbury. Cả hai người đàn ông biểu trưng của phe York này đã bị chém đầu, và bị cắm đầu bằng cọc treo lên cửa thành York. Khi ấy Margaret đang ở Scotland, hoàn toàn không có quyền hạn yêu cầu xử tử nhưng đại đa số vẫn tin chính bà là người ra chỉ thị này[18]. Thừa thắng, Margaret trực tiếp tham gia Trận chiến St Albans thứ hai vào ngày 17 tháng 2 năm 1461, trận chiến đánh bại quân của Bá tước Warwick của nhà York và thành công đoạt lại được Vua Henry VI của nhà Lancaster.

Ngày 29 tháng 3 năm 1461, chỉ tầm 1 tháng sau chiến thắng, nhà Lancaster bị đánh bại trong Trận Towton trước quân đội được lãnh đạo bởi con trai của Công tước York - Edward xứ March. Kết quả của trận chiến này là việc Henry VI bị phế truất và Edward tự xưng làm Quốc vương, chính là Edward IV của Anh. Margaret không từ bỏ, bà giong buồm trở lại Wales, Scotland và về Pháp - nơi bà tìm kiếm sự ủng hộ quân sự từ họ hàng là Quốc vương Louis XI của Pháp. Không lâu sau đó, Margaret nhận được lời mời liên minh của kẻ thù cũ - Bá tước Warick - vì sự mâu thuẫn giữ Bá tước với quyết định kết hôn Elizabeth Woodville của Tân vương Edward. Để thành lập liên minh, con gái thứ của Warwick là Anne Neville được cưới cho con trai bà, và bà yêu cầu Warwick tự mình trở về đánh quân nhà York rồi bà mới theo sau. Năm 1470, ngày 3 tháng 10, Warwick thành công phục vị cho chồng bà, Henry VI của Anh, sau khi thành công tuyên bố phế bỏ Edward IV, đây cũng là lý do mà Warwick có biệt danh 「The Kingmaker」 trong lịch sử Anh.

Trận Tewkesbury và cuối đời

Theo đúng giao hẹn, Margaret cùng con trai và Anne lên thuyền trở về Anh, dự định đem quân gia nhập đoàn quân của Bá tước Warwick. Nhưng trong Trận Barnet ngày 14 tháng 4 năm 1471 thì Bá tước Warwick thua trận, khiến Edward IV phục vị. Vương hậu Margaret lúc này đã đến Anh, bèn không thể tránh khỏi việc dấy binh chống lại quân nhà York, đã dẫn đến Trận Tewkesbury ngày 4 tháng 5 cùng năm. Trận chiến này là đại bại của nhà Lancaster, Vương tử Edward bị tử trận, hoàn toàn đánh vỡ niềm hi vọng của Margaret. Bà bị William Stanley bắt sống trong cuối trận chiến, và bị Edward IV hạ lệnh giam cầm trong Lâu đài Wallingford tại Wallingford, Oxfordshire. Không lâu sau, bà bị chuyển đến Tháp London - nơi mà chồng bà, Vua Henry VI, cũng bị giam giữ và chết một cách bí ẩn không lâu sau đó.

Sang năm 1472, Margaret được chuyển dưới sự giám sát của Alice Chaucer, Nữ công tước xứ Suffolk, một Thị tùng và người bạn khi trước của bà. Đến năm 1475, Margaret quay về Pháp dưới sự bảo lãnh của Quốc vương Louis XI[19]. Từ đó về sau, Margaret biến mất khỏi vũ đài chính trị, bà cũng ít khi liên hệ với vương thất Pháp. Dưới sự bảo trợ của bạn cũ là Francis de Vignolles, Margaret lặng lẽ dời sang sống trong Lâu đài thuộc quyền sở hữu của ông tại khu vực Dampierre-sur-Loire gần quê nhà Anjou. Tại đó, bà cũng qua đời vào ngày 28 tháng 8 năm 1482, thọ 52 tuổi[20]. Bà được chôn bên cạnh cha mẹ trong Nhà thờ lớn Angers tại Angers, nhưng trong Cách mạng Pháp thì hài cốt của bà đã bị di dời và hủy hoại bởi dân chúng cướp phá nhà thờ.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Marguerite xứ Anjou, Vương hậu Anh http://www.amazon.com/Margaret-Anjou-Helen-E-Maure... //doi.org/10.1111%2Fj.1468-2281.1988.tb01072.x http://worldcat.org/oclc/1039082963 //www.worldcat.org/oclc/1039082963 http://www.queens.cam.ac.uk/life-at-queens/about-t... https://archive.org/details/lifeandtimesmar02hookg... https://archive.org/details/manualofheraldry00bout... https://archive.org/details/margaretofanjou00abboi... https://archive.org/details/richardthird00kend https://archive.org/details/shewolveswomenwh0000ca...